Tăng lương tối thiểu vùng 6%
Có hiệu lực từ ngày 1-7, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng 180.000 - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.
Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ chính thức quy định mức lương tối thiểu giờ làm cơ sở để trả lương cho người lao động làm việc theo giờ.
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc lương tối thiểu giờ.
Dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động
Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022).
Đến ngày 1-7, chính sách hỗ trợ này kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ.
Cụ thể, theo điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1-7 được xác định: Doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức 0,3%, doanh nghiệp còn lại đóng 0,5%.
Hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy
Theo Thông tư 78/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, từ ngày 1-7-2022, hóa đơn điện tử được áp dụng thay thế hóa đơn giấy.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin được khuyến khích áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1-7.
Riêng trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua, đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng. Cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Hộ chiếu phổ thông gắn chip
Từ ngày 1-7, cơ quan chức năng sẽ cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho người dân, trong đó có mẫu hộ chiếu gắn chip.
Mẫu hộ chiếu mới gồm các nội dung: Mặt ngoài in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu. Các trang trong hộ chiếu có hình cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, họa tiết trống đồng. Hộ chiếu sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt. Chip điện tử đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chip điện tử…
Việc lựa chọn gắn thêm chip điện tử vào hộ chiếu mới còn giúp đáp ứng nhu cầu số hóa, giảm thiểu nguy cơ bị làm giả.
Nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm cho bên thứ ba
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, từ ngày 1-7-2022, nhà thầu thi công xây dựng ngoài việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường như trước đây thì còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Bảo hiểm bên thứ ba là sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của bên mua bảo hiểm đối với bên thứ ba phát sinh từ lỗi sơ ý gây thiệt hại về người và tài sản. Một số lỗi sơ ý như: điều khiển xe gây tai nạn, thi công xây dựng công trình ảnh hưởng đến tài sản của bên thứ ba, sơ suất trong thiết kế thi công gây ảnh hưởng công trình…
Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bên thứ ba ở đây gồm toàn bộ người dân, tài sản xung quanh, tài sản và người đi lại quanh khu vực thi công bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản liên quan đến việc thiết kế xây dựng, khảo sát xây dựng.
Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Tăng mức phạt vi phạm khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có hiệu lực từ ngày 22-7.
Trong đó, Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu với nhiều điểm mới về mức phạt khi vi phạm trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Cụ thể, phạt 10-12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện mà không có lý do chính đáng.
Phạt 15-20 triệu đồng đối các hành vi nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như: Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối, làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Phạt tiền 12-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
Quy định mới về cộng điểm ưu tiên
Quy định mới về điểm ưu tiên là một trong những nội dung nổi bật tại Quy chế Tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 22-7.
Quy chế tuyển sinh mới nhìn chung vẫn giữ nguyên các đối tượng và mức cộng điểm ưu tiên như các năm trước. Tuy nhiên, từ năm 2023, thí sinh chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên.
Như vậy, thí sinh có tổng điểm 3 môn càng cao (từ 22,5 trở lên) thì càng được cộng ít điểm ưu tiên.
(Theo nld.com.vn)